Học cao học được gì?

Vậy là sau 2 năm dài miệt mài với việc học tập nghiên cứu, cuối cùng cũng hoàn thành chương trình cao học.

Nhìn lại một chặng đường đã qua với biết bao buồn vui lẫn lộn, có lúc vất vả nhọc nhằn nhưng cũng có khi hạnh phúc. Với những gì đã trải qua tôi muốn chia sẻ vài điều về việc học cao học.

Vậy vất vả 2 năm để rồi được những gì?

Nếu thực sự học tập làm việc một cách nghiêm túc sẽ thu được những điều quý giá ngoài việc có được tấm bằng thạc sĩ

1.Cảm nhận được thế nào là khoa học và niềm vui khoa học

Khi  học thạc sĩ tức là bắt đầu tập tành làm khoa học, đi nghiên cứu sâu hơn một vấn đề. Trải qua những ngày tháng miệt mài dưới phòng thí nghiệm, làm hết lần này đến lần khác, thử nghiệm nhiều cách khác nhau, cuối cùng ra được kết quả. Bạn sẽ hiểu được cảm giác hồi hộp khi chờ đợi kết quả và niềm vui khi sản phẩm của mình có kết quả tốt. Ngoài ra việc đem công bố kết quả đó trước mọi người cũng mang lại những niềm vui, niềm vinh dự.

Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác của mình khi đứng báo cáo kết quả nghiên cứu trước hội nghị vật lý chất rắn toàn quốc. Khi mà phía dưới là những nhà khoa học từ nhiều trường đại học trên cả nước đang hướng về mình. Có gì đó đáng tự hào và thật vui khi kết quả của mình được công nhận, được mọi người đánh giá cao.

 

2.  Mở rộng tầm nhìn

Nếu như ở chương trình đại học chỉ hạn hẹp nội dung trong những giáo trình, những điều giảng viên giảng dạy. Những cái bạn học là những cái đã được thừa nhận bạn chỉ học lại.

Còn khi học cao học và làm luận văn thạc sĩ bạn có cơ hội  bước 1 chân ra thế giới bên ngoài, bạn phải tìm hiểu trên thế giới đã và đang nghiên cứu những gì xung quanh đề tài của mình, tìm hiểu xem họ làm cách nào, có những hạn chế gì, từ đó tiến hành nghiên cứu của mình, sao cho hơn hoặc ít nhất là bằng người ta.  Và phải có gì đó mới so với người khác hoặc ít nhất có nét gì đó riêng đặc trưng của mình.

Nếu thực sự làm việc một cách nghiêm túc, hiệu quả thì bạn có một cái tầm nhìn mới về vấn đề bạn nghiên cứu cũng như về khoa học nói chung. Bạn sẽ thấy được tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như thấy được khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới.

3. Cải thiện những kĩ năng đọc tài liệu, báo cáo seminar, trình bày một vấn đề

Sau khi học cao học một cách nghiêm túc bạn sẽ có  khả năng đọc được những bài báo, tài liệu bằng tiếng anh, tùy theo mức độ làm việc của mỗi người mà khả năng đọc sách ngoại văn sẽ khác nhau. Nếu đã làm luận văn thạc sĩ thì việc đọc các bài báo nước ngoài là mặc nhiên phải làm được.

Ngoài ra khi học cao học hầu hết các môn bạn phải thường xuyên làm seminar, vì vậy kĩ năng soạn thảo powerpoint, kĩ năng thuyết trình giảng giải một vấn đề, nói trước đông người… được cải thiện đáng kể.

Đồng thời việc tham gia các hội nghị, dự những buổi seminar chuyên đề sẽ giúp cải thiện rất nhiều khả năng báo cáo đề tài của bạn

 4. Có những cơ hội nghề nghiệp mới

Với bằng cử nhân bạn có thể đi dạy cấp 3 hoặc làm một công việc trái ngành nào đó, còn khi có bằng thạc sĩ thì phạm vi tuyển dụng sẽ rộng hơn.

Nếu bạn về dạy cấp 3 thì sẽ có nhiều ưu thế hơn những người khác, hoặc bạn có thể dạy ở 1 trường đại học, cao đẳng nào đó.

Với xu thế mà các trường đại học mọc lên như nấm hiện nay, đồng thời  trong vòng 10 năm nữa thì các trường phổ thông luôn tìm cách nâng tỉ lệ giáo viên có bằng thạc sĩ lên 15% thì những ai có bằng thạc sĩ sẽ có rất nhiều ưu thế (còn tận dụng được ưu thế đó hay không tùy vào bản thân mỗi người )

 5. Khẳng định được bản thân

Bên cạnh việc “ học để biết” “học để làm” “ học để cùng chụng sống” thì việc hoàn thành chương trình thạc sĩ bạn đã tự khẳng định được khả năng của mình với mọi người. Đó là một điều đáng tự hào

Mặc dù trong thời buổi vàng thau lẫn lộn như hiện này khi mà nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ không đạt chất lượng, việc mua bán bằng cấp, sao chép luận văn vẫn diễn ra hàng ngày, nhưng hãy cứ tin rằng xã hội không chỉ dựa trên cái bằng để đánh giá mà còn dựa trên khả năng của mỗi người.

 6. Vượt qua được những giới hạn của bản thân

Đã có lúc có những khó khăn như tài chính, cơm áo gạo tiền và gia đình, khiến tôi trì hoãn việc học cao học, có những khi thời gian hạn hẹp vừa phải đi học vừa phải đi làm, vừa làm đề tài luận văn, vừa chạy sô chỗ này chỗ khác. Có những lúc mệt mỏi, những lúc muốn buông xuôi nhưng rồi cuối cùng cũng vượt qua được.

Tôi còn nhớ lời một người thầy đã dạy tôi, trong cuộc sống này phải có áp lực thì con người mới tiến bộ, và phải cố gắng vượt qua những khó khăn thì con người ta mới trưởng thành

Còn nếu chỉ bước đi trên một con đường thẳng tắp thì con người chẳng bao giờ lớn lên được

Khi học cao học, chắc chắn bạn sẽ gặp phải những khó khăn, đặc biệt là việc phải cân bằng giữ đi học và đi làm và nếu vượt qua được thì tôi tin rằng bạn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều

 

7. Trải nghiệm những điều thú vị và có những khoảnh khắc khó quên

Sống là để trải nghiệm và hoàn thiện bản thân. Nếu như việc đi làm mang lại cho bạn nhiều áp lực, nhiều căng thẳng, có khi nhàm chán vì chỉ làm đi làm lại một công việc. Thì việc đi học mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tất nhiên đi học có niềm vui của đi học, đi làm có niềm vui của đi làm, nhưng có lẽ thời gian đi học bao giờ cũng để lại nhiều kỉ niệm đẹp và khó quên nhất

Và dường như khi đi học con người ta thấy trẻ trung hơn, yêu đời và lạc quan hơn.

Có lẽ bây giờ bạn đang hài lòng với bằng cử nhân của mình, hài lòng với công việc hiện tại, hài lòng với thu nhập hiện có, nhưng nếu thực sự có cơ hội và điều kiện tôi khuyên bạn nên học cao học vì

“việc học như thuyền đi ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi”

mà chẳng ai trong chúng ta muốn mình lùi cả. Trẻ cũng phải học mà già cũng phải học, có điều người trẻ học dễ hơn, và học trước thì giành được nhiều ưu thế và cơ hội hơn.

Xin kết bằng một câu nói của Dorothy Billington  

“Những gì chúng ta biết hôm nay sẽ lỗi thời vào ngày hôm sau. Nếu chúng ta ngừng học thì chúng ta ngừng phát triển”.