Chúng ta không mọc lên từ đất

có đôi lúc mãi mê giữa dòng đời hối hả

những chốn phồn hoa thị thành

những phương trời lạ

chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ nhớ cha! 

 

 

Đôi lúc giữ dòng đời hối hả, mãi tất bật lo toan cho cuộc sống, đâu đó trong chúng ta  quên mất một nơi gọi là nhà, nơi gọi là gia đình; nơi đó có ba, có mẹ, có những người thân yêu

 

Đâu đó trong chúng ta cứ mãi bận rộn với công cuộc mưu sinh, học hành, bạn bè, sự nghiệp. Chúng ta cứ hẹn lần hẹn lựa,  ban đầu từ chủ nhật không về, rồi đến ngày lễ tết không về. Một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng, rồi có khi cả năm,  chúng ta quên rằng những lúc như vậy, bố mẹ đang mong chờ mình.

 

Tôi vẫn thường thấy đâu đó, trong những ngày lễ tết, hình ảnh người mẹ đi ra, đi vào chờ mong con mình về;  hình ảnh người cha ngồi dưới mái hiên dõi mắt chờ đợi đứa con nơi xa xứ, rồi chạnh lòng khi nhìn nhà hàng xóm sum họp rộn ràng, đầy ắp tiếng cười.

 

Những người cha, người mẹ đó chờ mong con mình về đơn giản chỉ là để nhìn thấy con mình thế nào, có gầy đi không, có chịu nhiều vất vả hay không

 

Đơn giản chỉ  là nấu cho con những món ăn mà con thích, cùng con ăn một bữa cơm sum họp gia đình thật đầm ấm.

Hay đôi khi đơn giản chỉ là để căn nhà có tiếng nói, tiếng cười, bớt đi hiu quạnh suốt những ngày dài đằng đẳng.

 

Chỉ một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó thôi mà đôi khi đâu đó trong chúng ta không thể mang lại cho bố mẹ mình

 

 

Người ta bảo nước mắt chảy xuôi, ừ điều đó đúng thật. Đâu đó trong chúng ta quên mất rằng:

 

Chúng ta không từ dưới đất mọc lên, mà có người đã mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày  sinh thành ra chúng ta, có người đã thức trắng những đêm dài để ru chúng ta ngủ, chăm sóc chúng ta khi chúng ta trở bệnh

 

Chúng ta không từ dưới đất mọc lên, mà có người mà có người đã lo cho chúng ta từng miếng cơm manh áo, đã nhịn từng bữa ăn để cho chúng ta no lành, múc cho ta từng miếng cơm, vá cho chúng ta từng cái áo, lo cho ta từng giấc ngủ

 

Chúng ta không từ dưới đất mọc lên, mà có người đã dạy cho chúng ta tiếng nói đầu đời, có người đã vất vả một nắng hai sương, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất , dành dụm từng đồng để nuôi chúng ta ăn học

 

 

Để rồi khi chúng ta khôn lớn, trưởng thành, có nghề nghiệp, có việc làm. Đâu đó chúng ta quên mất quá khứ của mình, chúng ta lo lắng cho hạnh phúc của riêng mình, chúng ta chạy theo những nhu cầu của bản thân, nào sắm xe, nào sắm nhà, nào học hành, nào vui chơi, chúng ta có hàng ngàn lí do để bận rộn, mà quên mất đâu đó ở nơi rất xa, bố mẹ vẫn mòn mỏi trông chờ

 

Dẫu biết rằng hạnh phúc của con cái cũng là hạnh phúc của cha mẹ, nhưng phận làm con cần nghĩ đến những người sinh thành ra mình, bởi chúng ta đâu phải là cỏ cây tự mọc lên từ đất.

 

Đôi khi một sự quan tâm, một việc làm nho nhỏ mà nếu chịu khó một chút không hẳn là không làm được. Đừng để đến khi quá muộn rồi đáp đền bằng những những giọt nước mắt hay những tiếng khóc than

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian? ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên, mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn
 

                                              ( trích thơ Đỗ Trung Quân) 

 

Đừng đợi ..

Đừng đợi đến khi bạn thành đạt rồi mới nghĩ đến mẹ cha, đừng đợi đến khi bạn giàu có rồi mới nghĩ tới đáp đền

Đừng đợi đến ngày mai vì biết đâu ngày mai kia sẽ không bao giờ đến

xin kết bằng một đoạn thơ của một ai đó về mẹ

 

 

“….Hãy yêu đi khi Mẹ còn biết
Đừng chờ đến lúc Mẹ ra đi,
Ghi lời yêu quý lên bia đá
Mỹ từ trên phiến đá vô tri .

Hay nói lên lời con muốn nói,
Đừng chờ đến lúc mẹ ngủ say,
Một giấc ngũ không bao giờ dậy,
Ngàn năm ngăn cách chẳng ngày mai.

Đó là chia ly, là tử biệt,
Chẳng bao giờ nghe đuợc tiếng con,
Nếu yêu Mẹ dù là một chút,
Hãy nói đi khi Mẹ sống còn… .”

TP.HCM 

Vu lan 2010